ĐỊNH NGHĨA
Đây là một lĩnh vực tài chính đưa ra các lý thuyết đựa trên các phân tích tâm lý để giải thích những diễn biến bất thường trên thị trường chứng khoán. Tài chính hành vi thường dựa trên giả định rằng cấu trúc thông tin và đặc tính của những người tham gia vào thị trường chứng khoán đều bị ảnh hưởng một cách hệ thống bởi các quyết định đầu tư cá nhân cũng như các tác động của thị trường.
Đã có rất nhiều nghiên cứu viện dẫn các hiện tượng đã xảy ra trong thị trường chứng khoán đối lập với thuyết thị trường hiệu quả, không thể giải thích được một cách thoả đáng theo mô hình này nhưng lại có thể lý giải dựa trên các lý thuyết tài chính hành vi. Hãy cùng xét môt ví dụ: Giả sử cho một người lựa chọn giữa việc chắc chắn nhận được 50$ và tung đồng xu, nếu được thì anh ta sẽ có 100$, nếu không được thì anh ta sẽ chẳng có gì. Một khả năng là người này lựa chọn bỏ túi 50$. Tuy nhiên anh ta cũng có thể thử vận may với trò chơi sấp ngửa, xác suất là 50:50. Thông thường thì mọi người có xu hướng tung đồng xu để kiếm thêm được 50$ mặc dù việc này có thể khiến anh ta mất luôn cả 50$ mà lẽ ra anh ta lẽ ra đã có được một cách chắc chắn.
Hành vi trên cũng đúng với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ví dụ các nhà đầu tư vào chứng khoán của tập đoàn Nortel Networks, năm 2000 giá cổ phiếu của tập đoàn này giảm từ 100$ xuống còn chưa đầy 2$. Và cho dù giá có giảm thế nào thì các nhà đầu tư vẫn tin rằng giá sẽ sớm hồi phục, do đó họ vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này.
Tài chính hành vi cũng khám phá ra rằng các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư với giá trị lớn mà chỉ dựa trên lượng thông tin ít ỏi từ một nguồn duy nhất. Thêm vào đó, niềm tin của họ thật khó mà lay chuyển nổi. Vào cuối những năm 90, một niềm tin đeo đuổi các nhà đầu tư đó là bất cứ sự sụt giá đột ngột nào trên thị trường cũng là một thời điểm tốt để mua vào. Các nhà đầu tư thường quá tự tin vào phán quyết của mình và tin vào những lời đồn thổi hơn là sự thật hiển hiện trước mắt mình.
Trên thực tế có rất ít các nhà đầu tư giá trị sử dụng các nguyên lý hành vi để tìm ra cổ phiếu nào rẻ nhưng lại mang lại thu nhập thực sự cho họ. Lý thuyết tài chính hành vi hiện vẫn nặng về học thuật hơn là khả năng ứng dụng để quản lý tiền tệ và đầu tư. Robert Shiller, tác giả của cuốn sách”Irrational Exuberance”, đã chỉ ra rằng thị trường trong cuối thập kỉ 90 là một quả bóng khổng lồ, nhưng ông lại không thể tiên liệu được là khi nào thì quả bóng đó sẽ nổ. Tương tự, các chuyên gia nghiên cứu hành vi ngày nay cũng không thể dự báo khi nào thì thị trường sẽ xuống tới mức thấp nhất mà họ chỉ có thể mô tả trạng thái hiện tại của thị trường là thế nào.
Lý thuyết tài chính hành vi không thể cung cấp một phương thức đầu tư kì diệu, nhưng lại có thể giúp các nhà đầu tư cẩn trọng hơn đối với các hành vi đầu tư của mình, từ đó có thể tránh được các sai lầm khiến họ trở nên nghèo hơn.