KEYNESISM / TRƯỜNG PHÁI KINH TẾ KEYNES

ĐỊNH NGHĨA

Vào những năm 30 của thế kỷ 20, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng tại các nền kinh tế Tây Âu và Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 cho thấy học thuyết “tự điều tiết” của trường phái cổ điển và cổ điển mới thiếu xác đáng. Lý thuyết “bàn tay vô hình” của A. Smith, học thuyết “cân bằng tổng quát” của L. Walras cũng không phát huy được hiệu quả và bảo đảm nền kinh tế phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất đòi hỏi Nhà nước can thiệp nhiều hơn vào nền kinh tế. Đây chính là các cơ sở hình thành và phát triển lý thuyết kinh tế của John Maynard Keynes.

John Maynard Keynes (1884-1946) là nhà kinh tế học người Anh, giáo sư Đại học tổng hợp Cambridge, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tín dụng và lưu thông tiền tệ, cố vấn ngân khố quốc gia, thành viên Ban giám đốc ngân hàng Anh, chủ bút một tạp chí kinh tế.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của J.M Keynes là “Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (1936). Ông kịch liệt phê phán chính sách kinh tế của chủ nghĩa bảo thủ. Tính chất không ổn định của nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng lên là điều khiến Keynes lo lắng. Song, ông cho rằng, khủng hoảng và thất nghiệp không phải hiện tượng nội sinh của nền kinh tế, mà do chính sách kinh tế lỗi thời, bảo thủ và thiếu sự can thiệp của Nhà nước gây ra. Ông không đồng ý với quan điểm của trường phái kinh tế cổ điển và cổ điển mới về sự cân bằng kinh tế dựa trên cơ sở tự điều tiết của thị trường. Theo Keynes, muốn có cân bằng, Nhà nước phải can thiệp vào nền kinh tế.

Vấn đề quan trọng nhất, nguy hiểm nhất với nền kinh tế là thất nghiệp và việc làm. Vì vậy, vị trí trung tâm trong lý thuyết Keynes là “việc làm.” Lý thuyết kinh tế của J.M. Keynes đã mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển lý luận kinh tế (cả về chức năng tư tưởng lẫn thực tiễn).

Đặc trưng nổi bật của học thuyết Keynes là đưa ra phương pháp phân tích vĩ mô. Theo ông, việc phân tích kinh tế phải xuất phát từ các tổng lượng lớn để nghiên cứu mối liên hệ giữa các tổng lượng và khuynh hướng biến chuyển của chúng để tìm ra công cụ, tác động và khuynh hướng, làm thay đổi tổng lượng. J.M Keynes đưa ra mô hình kinh tế vĩ mô với ba đại lượng:

1) Đại lượng xuất phát. Đại lượng này được coi là không thay đổi hoặc thay đổi chậm. Đó là các nguồn vật chất như tư liệu sản xuất, số lượng sức lao động, mức độ trang bị kỹ thuật của sản xuất, trình độ chuyên môn hóa của người lao động, cơ cấu của thể chế kinh tế.

2) Đại lượng khả biến độc lập. Đó là những khuynh hướng tâm lý như khuynh hướng tiêu dùng, khuynh hướng tiết kiệm, ưa chuộng tiền mặt… Nhóm này là cơ sở hoạt động của mô hình, là đòn bẩy đảm bảo cho sự hoạt động của tổ chức kinh tế.

3) Đại lượng khả biến phụ thuộc. Đại lượng này cụ thể hóa tình trạng nền kinh tế như khối lượng việc làm, thu nhập quốc dân tính bằng đơn vị tiền công. Đó là các tiêu chí quan trọng cấu thành nền kinh tế. Các đại lượng này thay đổi theo sự tác động của các biến cố độc lập.

Giữa các đại lượng khả biến độc lập và khả biến phụ thuộc có mỗi liên hệ với nhau. Nếu ký hiệu C là tiêu dùng, I là đầu tư, S là tiết kiệm, là thu nhập và Q là giá trị sản lượng hiện tại thì:

R = Q = C + I (1)

S = R – C (2)

Từ hai phương trình (1) và (2) suy ra đầu tư bằng tiết kiệm (S).

J. M. Keynes cho rằng việc điều tiết vĩ mô nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập đòi hỏi phải khuyến khích tăng đầu tư và giảm tiết kiệm. Có như vậy, mới giải quyết được tình trạng khủng hoảng và thất nghiệp.

Cũng như các đại biểu của trường phái cổ điển mới, phương pháp nghiên cứu của J. M. Keynes dựa trên cơ sở tâm lý chủ quan. Song, chỗ khác nhau là, trước đây các nhà kinh tế học của trường phái cổ điển mới dựa vào tâm lý cá biệt, còn Keynes dựa vào tâm lý xã hội. Trong lý thuyết của ông, phạm trù khuynh hướng tiêu dùng, tiết kiệm được xem là phạm trù tâm lý chung của toàn xã hội.

Lý thuyết Keynes đánh giá cao vai trò của tiêu dùng và trao đổi. Keynes coi tiêu dùng và trao đổi là nhiệm vụ số một mà kinh tế học phải giải quyết. Theo ông, cùng với sự tăng lên của việc làm, thì cũng phải có sự tăng lên của thu nhập, do đó, có sự tăng lên của tiêu dùng. Nhưng mức tăng tiêu dùng chậm hơn mức tăng thu nhập, nên cầu tiêu dùng, và do dó cầu có hiệu quả, giảm xuống. Đây là nguyên nhân gây ra khủng hoảng, thất nghiệp, trì trệ trong nền kinh tế. Vì vậy, để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung-cầu thì cần phải nâng cầu tiêu dùng, tìm biện pháp kích thích cầu có hiệu quả. Lý thuyết Keynes bởi vậy còn có tên gọi “lý thuyết trọng cầu.”

Viết một bình luận