LEVERAGE, GEARING / LỢI DỤNG VỐN, ĐÒN BẨY VỐN

ĐỊNH NGHĨA

Lợi dụng vốn (đòn bẩy vốn) là việc sử dụng những nguồn lực sẵn có theo cách mà nó làm cho kết quả kinh doanh (lãi, lỗ) được nhân lên nhiều lần, hay nói cách khác, lợi dụng vốnchính là kĩ thuật nhân vốn trong kinh doanh. Khi nói đến lợi dụng vốn người ta thường đề cập đến 2 kiểu áp dụng của nó, trong đầu tư tài chính và trong kinh doanh thuần tuý.

Trong đầu tư tài chính, nhà đầu tư lợi dụng vốn thông qua việc vay tiền hoặc sử dụng các dạng vay mượn khác (các công cụ phái sinh) để tăng số vốn đầu tư khả dụng. Nhà đầu tư hi vọng số vốn vay được này, khi được tái đầu tư vào các công cụ tài chính, sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn chi phí tài chính phải trả. Các công cụ tài chính mà nhà đầu tư hay dùng có thể kể đến hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, đặt cọc kinh doanh chứng khoán và một số công cụ khác.

Trong kinh doanh, lợi dụng vốn là việc công ty đó sử dụng vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình. Công ty nào có tỉ lệ nợ trên vốn cổ phần càng cao thì khả năng lợi dụng vốn của nó càng cao, tức là hiệu quả sử dụng vốn càng cao. Để đánh giá khả năng lợi dụng vốn của một công ty, người ta thường dùng tỉ lệ tài sản trên vốn cổ đông (AOE). Tỉ lệ này càng cao thì chứng tỏ phần tài sản của công ty được tài trợ từ nguồn vốn vay càng lớn, mức độ lợi dụng vốn càng cao.

Ví dụ: 2 công ty cùng có tổng tài sản như nhau là 30 triệu USD. Vốn cổ đông của Công ty A là 5 triệu USD còn của công ty B là 10 triệu. Rõ ràng, để có nguồn lực tương đương nhau, công ty A chỉ cần số vốn bằng phân nửa công ty B, tức là khả năng lợi dụng vốn của A (AOE=6) tốt hơn B (AOE=3). Cùng một đồng vốn đầu tư vào công ty A có khả năng sinh lợi cao hơn công ty B, đồng nghĩa với việc cổ phiếu của A nhìn chung sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư hơn B.

Lợi dụng vốn giúp các nhà đầu tư tài chính và các công ty tăng khả năng tạo ra lợi nhuận cho mình, song đi liền với nó, rủi ro bao giờ cũng cao hơn. Nếu sử vốn đi vay để đầu tư mà thua lỗ thì hậu quả đối với nhà đầu tư sẽ trầm trọng hơn nhiều lần khi đầu tư bằng vốn của mình. Điều này có thể thấy rõ trong ví dụ về đặt cọc kinh doanh chứng khoán. Doanh nghiệp có thể lợi dụng vốn của đối tượng khác để tăng lợi nhuận cho cổ đông, nhưng nếu họ không làm được điều đó, lãi vay và rủi ro vi phạm nghĩa vụ trả nợ có thể gây thiệt hại lớn cho cổ đông.

Viết một bình luận