ĐỊNH NGHĨA
Lợi suất đầu tư là số phần trăm được tính toán theo thu nhập bằng tiền của người sở hữu chứng khoán. Thuật ngữ này có nhiều nghĩa, tùy thuộc vào ngữ cảnh của nó. Lợi suất đầu tư có thể được tính như một tỉ lệ hoặc như tỉ suất hoàn vốn nội bộ.
Với trái phiếu, lợi suất trái phiếu tức được tính bằng cách lấy tổng trái tức năm chia cho mệnh giá trái phiếu. Lợi suất hiện tại được tính trên giá thị trường của trái phiếu. Lợi suất đáo hạn chính là tỉ suất hoàn vốn nội bộ trên các dòng tiền của trái phiếu: giá mua, trái tức đã thanh toán, giá gốc khi đáo hạn. Lợi suất gọi mua là tỉ suất hoàn vốn nội bộ hoàn vốn nội bộ tính trên các dòng tiền của trái phiếu, với giả định rằng nó sẽ được gọi mua trước khi đáo hạn. Lợi suất trái tức của trái phiếu luôn biến động ngược chiều với giá trái phiếu: nếu giá tăng thì lợi suất trái tức giảm và ngược lại.
Với cổ phiếu ưu đãi, cũng giống như trái phiếu cổ phiếu ưu đãi cũng trả cổ tức định kì cho nhà đầu tư. Lợi suất cổ tức là tỉ lệ giữa thu nhập cổ tức hàng năm với giá vốn bỏ ra mua của cổ phiếu ưu đãi. Lợi suất cổ tức hiện tại được tính theo thị giá cổ phiếu. Lợi suất cổ tức đáo hạn cũng được tính tóan tương tự lợi suất trái tức đáo hạn.
Cổ phiếu phổ thông, mỗi cổ phiếu thường bao giờ cũng được chia cổ tức bằng một phần thu nhập của nó. Lợi suất cổ tức phổ thông là tổng số tiền được thanh toán mỗi năm cho 1 cổ phiếu chia cho thị giá cổ phiếu.
Ví dụ: vào thời điểm chia cổ tức, giá cổ phiếu E là $150, thu nhập của cổ phiếu đó được xác định là $30, và 50% số thu nhập này được sử dụng để chia cổ tức. Vậy lợi suất cổ tức E này là: 50% x 30/150 = 10%
Từ công thức trên có thể nhận thấy P/E của một cổ phiếu bao giờ cũng biến động ngược chiều với lợi suất cổ tức
Làm cách nào để đánh giá được lợi suất đầu tư?
Trên thị trường tài chính, tất cả các công cụ tài chính đều cạnh tranh với nhau. Lợi suất là 1 phần trong toàn bộ thu nhập từ việc nắm giữ một chứng khoán. Lợi suất càng cao thì nhà đầu tư càng sớm thu hồi vốn, và giảm thiểu rủi ro. Nhưng mặt khác, lợi suất quá cao lại làm cho giá thị trường của chứng khoán đó giảm xuống và rủi ro tăng lên.
Mức lợi suất đầu tư thay đổi chủ yếu do dự kiến về lạm phát. Nếu thị trường lo ngại lạm phát gia tăng trong tương lai thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ đòi hỏi lợi suất hiện tại cao hơn.
Thời gian đáo hạn của một công cụ tài chính sẽ quyết định mức độ rủi ro của nó. Mối quan hệ giữa lợi suất và thời gian đáo hạn của các công cụ tài chính có mức độ tin cậy tín dụng tương tự nhau, được mô tả bằng đường lợi suất. Công cụ tài chính có thời hạn dài bao giờ cũng có mức lợi suất có hơn công cụ có thời hạn ngắn hơn.
Lợi suất của các công cụ ghi nợ luôn gắn với mức độ tin cậy tín dụng và khả năng vi phạm nghĩa vụ trả nợ của công ty phát hành. Rủi ro vi phạm nghĩa vụ trả nợ càng cao, thì lợi suất càng phải cao.